Loading...
 

Người nhận xét việc lắng nghe

 

Mục tiêu của bạn trong vai trò là Người nhận xét việc lắng nghe là kiểm tra mức độ tập trung của những người tham dự trong suốt cuộc họp bằng cách hỏi về các chủ đề chính được đề cập trong các bài nói khác nhau và những khoảnh khắc đáng nhớ nhất đối với họ.

Các câu hỏi nên mang tính chất chung chung và không quá cụ thể. Rốt cuộc, bạn muốn mọi người lắng nghe, chứ không phải là ghi chép các bài nói! Ví dụ: một câu hỏi hợp lý sẽ là:

"Trong bài nói của Hòa, ai là người ảnh hưởng đến anh ấy nhiều nhất?" hoặc
"An nghĩ gì về vai trò của Công nghệ trong thời kỳ suy thoái kinh tế hiện nay?"
"Vị khách của chúng ta đến từ đất nước nào?"

Những câu hỏi không phù hợp sẽ là những câu hỏi nhằm vào các chi tiết thực tế quá mức, chẳng hạn như:

"Hòa sinh ngày nào?" hoặc
"Trong bài nói của An, cô ấy đã nói rằng có bao nhiêu công việc bị mất do thuê ngoài?"
"Vị khách của chúng ta đến từ thành phố nào?"

Nhắm đến những câu hỏi có thể được trả lời bằng một hoặc hai câu. Các câu hỏi có thể là về bất kỳ điều gì quan trọng đã được bất kỳ người tham gia nào nói đến – bởi Người chủ trì cuộc họp, hoặc bất kỳ Diễn giả nào, hoặc Người nhận xét hoặc thậm chí là các Diễn giả ứng biến.

Như với hầu hết các vai trò, thông thường vào đầu cuộc họp, bạn sẽ được Người chủ trì cuộc họp mời lên giải thích về vai trò của mình. Hãy giải thích không chỉ những gì bạn định làm mà còn giải thích tại sao điều này lại quan trọng. Điều quan trọng nữa là mọi người không nên ghi chép hay ghi nhớ bất cứ thứ gì, và các câu hỏi của bạn không nên đòi hỏi điều đó. Nó không thực tế trong môi trường bên ngoài câu lạc bộ. Rốt cuộc, khi nói chuyện thân mật với sếp, bạn sẽ không ghi chép (trừ khi bạn đang ở Bắc Triều Tiên).

Một phần giới thiệu mẫu có thể đại loại như:

"Cảm ơn anh Hiếu (Người chủ trì cuộc họp). Nếu bạn muốn lãnh đạo và gây ảnh hưởng đến mọi người, bạn bắt buộc phải có khả năng hiểu và giải quyết những mối quan tâm và động lực của họ. Điều này không khó lắm đâu, vì đa phần chính họ sẽ cho bạn biết đó là gì. Hầu hết chúng ta phải đối mặt với vấn đề rằng chúng ta không thực sự và không tích cực lắng nghe những gì người khác nói với chúng ta; chúng ta chỉ nghĩ về những gì mình sẽ nói tiếp theo. Là một Người nhận xét việc lắng nghe, vai trò của tôi sẽ là chuẩn bị một bộ câu hỏi về những gì đã được nói đến trong cuộc họp bởi bất kỳ ai trong số những người tham gia. Các câu hỏi sẽ mang tính chất chung chung, vì vậy đừng lo lắng, đây không phải là một kỳ thi và các bạn không cần phải ghi chép.

Cố gắng viết ra ít nhất 5 – 6 câu hỏi để hỏi những người khác nhau.

Thông thường, nếu ai đó đang thực hiện một bài học diễn thuyết, bạn không nên hỏi họ về bất cứ điều gì đã được nói đến trước bài nói của họ. Những người nói này quá căng thẳng và hoàn toàn tập trung vào bài nói của họ, điều này cần được hiểu và tôn trọng. Tuy nhiên, sau khi họ đã hoàn thành bài nói của mình, sự căng thẳng sẽ biến mất, và sẽ hoàn toàn công bằng khi đặt câu hỏi cho họ về những gì đã được nói đến sau đó.

Như trong trường hợp Ứng biến, hãy kiểm tra với Phó Chủ tịch phụ trách Giáo dục hoặc Người chủ trì cuộc họp của bạn xem bạn có thể hỏi khách hoặc mời người xung phong hay không. Và cũng y như vai trò đó, nếu bạn muốn mời một vị khách hoặc một người xung phong, thì nên mời trước khi bạn đặt câu hỏi.

Đối với phần này, và vì các câu trả lời phải ngắn gọn (tối đa một hoặc hai câu), nên không cần thiết phải mời mọi người lên sân khấu, bắt tay hoặc vỗ tay. Bạn chỉ cần chọn nạn nhân và đặt câu hỏi. Nếu họ không trả lời được, hãy hỏi khán giả nói chung, theo cách không phán xét, ví dụ:

Anh Hiếu, trong bài nói của Hòa, ai là người ảnh hưởng nhiều nhất đến anh ấy?

(chờ đợi)

Anh không nhớ hả? Ai có thể giúp anh Hiếu được không? Ai là người ảnh hưởng nhiều nhất đến cuộc đời anh Hòa?"

Nếu không ai nhớ, thì có thể câu hỏi của bạn quá cụ thể hoặc một số chi tiết không thực sự đáng nhớ. Dù lý do là gì, bạn nên cung cấp câu trả lời.

 


Contributors to this page: nga nguyen , nga.nguyen and agora .
Page last modified on Monday November 15, 2021 17:56:21 CET by nga nguyen.